TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Gió Đã Sang Mùa!

Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ngắn

Lời Tòa Soạn: DĐNGVNSA xin giới thiệu đến quí độc giả truyện ngắn với nhan đề: Gió Đã Sang Mùa . Truyện ngắn trích trong tác phẩm Chiều Xưa Nhạt Nắng của nhà văn Dương Đại Trường. Cốt truyện nói lên thực trạng sinh hoạt hội đoàn của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại nói chung! Những danh xưng, tên tuổi và chức vụ của nhân vật trong truyện hoàn toàn là hư cấu... Nếu có trùng lập, tất cả đều ngoài ý muốn tác giả. Kính mời quí độc giả vào xem.

      Hắn tên Bắc, cô đơn ngồi ăn phở nơi chiếc bàn đặt ở góc phòng, mắt lờ đờ nhìn ra bên ngoài hướng về khoảng không gian của sân vận động phía sau quán phở, có thảm cỏ ngã màu trắng xóa bao phủ sương mù mùa đông. Khuôn mặt Hắn hiện lên nỗi buồn, đượm vẻ trầm tư suy nghĩ. Hình như Hắn là một thực khách thường xuyên quán phở của hội Lính Già tiểu bang Nam Úc. Hắn nguyên là một sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mang cấp bậc cuối cùng thiếu úy khi tàn cuộc chiến. Dù Tôi quen biết Hắn từ lâu trong sinh hoạt hội đoàn nơi cộng đồng Người Việt Tự Do Nam Úc, nhưng Tôi vẫn không biết ngày xưa Hắn phục vụ ở đơn vị nào. Tôi chỉ được nghe kể lý lịch của Hắn khi còn trong quân ngũ: Huấn luyện viên về vũ khí ở trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Những ai mới gặp Hắn lần đầu, thật là khó có cảm tình với Hắn! Bởi lẽ, Hắn là người ít nói, lại thêm có giọng the thé, cộc lốc và cụt ngoẳn của nông dân xứ Hậu Giang Nam Kỳ lục tỉnh rặt! Còn về hình dạng, Hắn có dáng người thô kệch, mập và lùn. Khi đi hai tay thả lỏng thẳng đứng như hai khúc tre kẹp lại thân hình béo phì di động...
       Nhớ lại lần đầu tiên Tôi quen Hắn, khi có dịp tham dự ngày kỷ niệm chiến thắng Long Tân của quân đội hoàng gia Nam Úc. Hôm đó Hắn đi tham dự với tư cách hội viên của hội Lính Già. Trong lúc đợi chờ tập trung để xếp hàng đi diễn hành, Hắn đến bên tôi gạ chuyện làm quen:
- Ngày xưa anh phục vụ ở đơn vị nào?
       Tôi quay sang nhìn Hắn, nhẹ giọng trả lời:
- Tôi gốc là một giáo sư trung học. Khi có lệnh tổng động viên tôi nhập ngũ vào quân trường Thủ Đức, xong khóa quân sự thì Tôi được trả về bộ giáo dục, tiếp tục nghề dạy học. Tôi chưa  hề phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày nào cả.
      Rồi từ đó, Tôi và Hắn trở thành bạn với nhau. Tuy chúng tôi không thân thích lắm nhưng cũng không đến nỗi nhạt nhẽo như nước ốc, bạc như vôi. Hắn lớn tuổi hơn nên trong cách xưng hô Tôi gọi Hắn bằng anh. Sau nầy, những lần gặp nhau trong sinh hoạt hội đoàn, Tôi và Hắn thường ngồi gần nhau để tiện việc chuyện trò. Có một lần tham dự tiệc kỷ niệm ngày quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Tôi ngồi chung bàn với Hắn và hai người có dịp bên nhau tâm sự. Hôm đó Hắn gợi ý với Tôi là Hắn muốn ra ứng cử ban chấp hành hội Võ Khoa Nam Úc với chức vụ hội trưởng. Trong lúc ngà say, Hắn lè nhè nói:
- Anh định lần nầy thành lập một liên danh ra tranh cử vào ban chấp hành hội Võ Khoa Nam Úc, chú mầy nghĩ sao về ý định của anh?
      Nghe Hắn trình bày ước mơ làm hội trưởng, Tôi không phản đối mà cũng không tán thành, chỉ góp lời phân tích:
- Hiện nay, hội đoàn của người Việt Nam ở Nam Úc mọc lên như nấm! Có những hội chỉ vài người hội viên cũng thành lập nên một hội, rồi làm đơn xin tiền tài trợ của chính phủ nhằm mục đích cho lợi ích cá nhân! Hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam của chúng ta tự do mọc lên rất nhiều, đến nỗi có một bài viết đăng trên nhật báo The Advertiser, xác định cộng đồng người Việt Nam ở Úc Châu nói chung và Nam Úc nói riêng, là sắc dân có tổ chức hội đoàn nhiều nhất trong các sắc dân định cư ở Úc ....!
       Tôi dừng lại giây phút suy nghĩ rồi nói quan tâm:
- Nhưng nhìn vào thực trạng sinh hoạt hội đoàn, diễn ảnh trong tương lai sẽ bị phân hóa trầm trọng! Bởi vì chúng ta tham gia sinh hoạt hội đoàn đều mắc phải cái khuyết điểm không tránh khỏi: Lợi dụng hai chữ “tự do” của xã hội Úc!
       Tôi đang phân tích về diễn ảnh sinh hoạt hội đoàn, Hắn nói xen vào:
- Ừ! Anh biết vậy! Nhưng để chấn chỉnh lại hội Võ Khoa Nam Úc vốn dĩ đang lủn củn nội bộ, nên anh phải ra tranh cử lần nầy.
       Hắn vừa nói xong ý định, Tôi góp ý:
- Hiện tình sinh hoạt của các hội đoàn trong cộng đồng chúng ta khó mà tạo hòa khí và đoàn kết với nhau vì đa số chúng ta có bản tính cá nhân chủ nghĩa! Vả lại thời gian gần đây cộng sản Việt Nam cho thi hành nghị quyết 36, cài người vào sinh hoạt trong cộng đồng người Việt Quốc Gia nhằm gây chia rẽ tình đoàn kết và làm sút giảm tinh thần đấu tranh đòi Tự Do-Dân Chủ cho Việt Nam...
      Hắn ngắt lời Tôi, nói tự tin:
- Anh khẳng định với chú mầy: Một khi được đắc cử hội trưởng thì anh có thể tạo dựng lại tình đoàn kết trong sinh hoạt của hội Võ Khoa Nam Úc!
- Nếu được vậy thì tốt! Nhưng Tôi e rằng, khó có thể tạo lại tình đoàn kết trong tình huống chia rẻ trầm trọng như hiện nay!
      Thấy Hắn như đắc ý và tự tin với ước mơ làm hội trưởng, nên Tôi không thích nói chuyện với Hắn nữa, đứng dậy bắt tay Hắn từ giã ra về. Trên đường về nhà Tôi vừa lái xe vừa suy nghĩ về Hắn: Một người kém tài như Hắn bắt đầu ham danh ham chức, là triệu chứng tạo phe nhóm làm phân hóa và mất đoàn kết trong sinh hoạt cộng đồng!
       Rồi mấy tháng sau đó, đến ngày bầu cử ban chấp hành hội Võ Khoa Nam Úc, Tôi thấy công bố trên báo chí có liên danh của Hắn đứng tên làm hội trưởng. Nhưng Hắn được may mắn, lần bầu cử nầy chỉ có duy nhất liên danh của Hắn độc diễn, nên Hắn làm hội trưởng một cách dể dàng mà không cần tranh cử với ai khác! Hai tuần sau, Hắn mở tiệc ăn mừng thắng cử, Tôi cũng được mời tham dự. Hôm đó quan khách đến dự tiệc ra mắt ban chấp hành của Hắn chừng hơn một trăm người, đa số là đại diện các hội đoàn và tôn giáo, dăm ba chính khách dân cử địa phương và vài cựu chiến binh thuộc quân đội Hoàng Gia Nam Úc tham chiến Việt Nam... Theo nhận xét của Tôi, hôm tiệc ra mắt ban chấp hành hội Võ Khoa Nam Úc, chắc là lần đầu tiên Hắn được đứng trên sân khấu nói chuyện trước đám đông quan khách! Vì vậy, Hắn có những cử chỉ thiếu tự nhiên, lúng túng và vụng về khi đọc diễn văn khai mạc. Lúc đó, nhìn gương mặt của Hắn hiện lên nỗi lo lắng, khiến Tôi cảm thấy thương hại cho Hắn! Nhưng ngược lại đối với Hắn, tự xem mình là người có chức vị, được đứng trên bụt cao đọc diễn văn, mặc bộ comple lễ phục quân trường trông rất oai vệ! Và mỗi khi đọc xong diễn văn khai mạc, Hắn mĩm cười ra vẻ khoái chí vì những tràn pháo tay vang lên từ quan khách tham dự. Đêm hôm đó Tôi nghĩ Hắn rất vui mừng vì thỏa lòng ước mơ từ bấy lâu của Hắn!
       Kể từ ngày Hắn giữ chức vụ hội trưởng của hội Võ Khoa Nam Úc, Tôi và Hắn ít có dịp gặp nhau! Bởi lẽ Tôi là người không thích thú về những sinh hoạt có tính hình thức mà thực chất không có hữu ích gì trong công cuộc đấu tranh tự do và dân chủ cho đất nước! Chẳng hạng như hội Võ Khoa Nam Úc của Hắn làm hội trưởng, ngoài việc tổ chức ngày truyền thống hằng năm ra, chưa có một thành tích nào đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng cộng đồng! Đã thế, kể từ ngày Hắn làm hội trưởng đến nay gần hết sáu nhiệm kỷ, sinh hoạt của hội càng ngày càng xuống dốc và chia rẽ trầm trọng! Nhớ lại nhiệm kỳ đầu tiên khi Hắn vừa mới đắc cử, Hắn mở tiệc ra mắt ban chấp hành thật là “hoành tráng”! Hôm ấy chương trình đầy đủ những nghi thức: Rước quân kỳ, có trình diễn nhạc sống, có phần ăn thịnh soạn và có khiêu vũ. Dần dà, những lần tổ chức ngày truyền thống sau nầy, Hắn đã tiết kiệm chi tiêu để bỏ vào quỹ riêng sinh hoạt, cho nên có nhiều hội viên phản đối và rút tên khỏi hội!..
       Vừa rồi, có lẽ Hắn đã thật sự “Đổi màu” nên lần tổ chức ngày truyền thống gần đây nhất Hắn không còn nhắc nhở về trách nhiệm của người sĩ quan trong huấn niệm: Danh Dự-Tổ Quốc-Trách Nhiệm! Hắn cũng không còn đọc diễn văn lên án nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam độc tài Đảng trị như khi Hắn mới nhậm chức hội trưởng. Có người thì bảo rằng, Hắn đã có chủ trương hòa hợp và hòa giải dân tộc với nhà nước Việt Nam nên không còn tinh thần chống cộng như xưa nữa! Người hiểu rỏ về Hắn thì tắc lưởi giải thích:
- Ông hội trưởng Võ Khoa Nam Úc không còn lập trường Quốc Gia nữa vì sợ rằng khi về Việt Nam thăm thân nhân sẽ bị nhà nước Việt Nam không cho nhập cảnh!
     Riêng Tôi là người bạn thân của Hắn, có nhận định chính xác:
- Hắn đã “Đổi màu” rồi! Bởi vì Hắn có mối quan hệ với những người làm Việt Gian cho nhà nước Việt Nam thi hành nghị quyết 36, đang trà trộn vào sinh hoạt cộng đồng dưới hình thức tổ chức những chương trình văn nghệ gây quỹ làm từ thiện cho Việt Nam!
      Nhắc về những năm tháng Hắn làm hội trưởng, có những mẩu chuyện về Hắn nghe qua phải lắc đầu, buông lời than oán! Có một lần họp bất thường để giải quyết một sự việc về tiền quỹ bị mất, Hắn trơ trẻn dựng lên một câu chuyện vô căn cứ! Trong cuộc họp Hắn tuyên bố:
- Hôm nay tôi mở cuộc họp nội bộ để nói lên một sự việc vừa mới xảy ra trong hội chúng ta!
         Hắn giả vờ cúi mặt, rưng lệ, buồn bả nói:
- Hôm qua, bà xã tôi đem tiền của hội bỏ vào ngân hàng, khi đứng xếp hàng chờ đợi, bị một người bên cạnh thổi bùa mê, khiến bà xã tôi ngoan ngoản đi theo người đó ra xe và móc tiền trong giỏ ra, đưa hết cho người ta! Nhưng than ôi! Số tiền nầy là tiền đóng thảo những dây hụi nghĩa của hội viên góp cho quỹ sinh hoạt hội Võ Khoa Nam Úc!
       Không chờ ai nói lời nào, Hắn tiếp:
- Với tư cách là hội trưởng, tôi báo cho quí anh biết để tìm cách giúp đở tôi giải quyết chuyện rủi ro nầy!
       Thằng bạn của Tôi trong ban chấp hành với Hắn, giữ chức phó nội vụ, nghe Hắn nói quay sang nhìn chăm vào mặt Hắn, thắc mắc:
- Thời buổi bây giờ sao lại có chuyện bị bùa mê, ngải lú??
- Nếu các anh không tin thì tôi gọi bà xã lên để thuật lại sự việc...
      Vừa dứt lời, Hắn đứng dậy đi vào phòng ngủ gọi vợ ra giải thích sự cố. Hình như có sắp xếp trước! Vợ Hắn từ trong buồn ngủ đi ra, cặp mắt y thị lờ đờ, trông giống mắt của người bị ma quỷ hốt hồn, khuôn mặt rũ rượi và dáng đi thiểu não. Vợ Hắn vừa ngồi xuống ghế, bật òa lên khóc:
- Hu! Hu! Hu! Ngày hôm qua em đi ngân hàng deposit tiền vào trương mục hội Võ Khoa Nam Úc, em bị người ta bỏ bùa mê... Họ đã lấy mất chiếc xách tay của em cùng với số tiền quỹ của hội. Hu! Hu! Hu! Hu! Hu!..
      Tiếng khóc của vợ Hắn vang to lên làm xé tan không gian yên tĩnh của phòng họp, khiến mấy người trong ban chấp hành cũng phải chùng lòng xuống, họ gật đầu tin đó là việc rủi ro. Rồi mọi người nhìn nhau như chia sẻ sự rủi ro của gia đình Hắn. Vợ Hắn nhìn thấy tất cả mọi người đã đặt niềm tin về mình, ngừng khóc và nói lời van xin:
- Các anh là chiến hữu với ông xã tôi, xin các anh bỏ qua cho gia đình chúng tôi, không bắt đền lại số tiền đã mất!
      Mọi người tham dự cuộc họp đưa mắt nhìn nhau như ngầm ý đồng tình, rồi thằng bạn Tôi là hội phó đương nhiệm , đứng lên thay mặt hội viên nói:
- Việc xui xẻo mà! Anh Bắc làm hội trưởng, làm công việc thiện nguyện, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, chuyện rủi ro xảy ra không ai muốn, chẳng lẽ chúng ta bắt buộc anh chị phải đền bù lại số tiền nầy!
      Vợ Hắn nghe thằng bạn Tôi nói, đưa tay kéo miếng giấy tissue lên chùi nước mắt, vợ Hắn giọng cảm động:
- Cám ơn các anh đã thể hiện tình chiến hữu với anh Bắc! Vậy mới xứng đáng là tình Huynh Đệ Chi Binh...
      Thế là cuộc họp của ban chấp hành tại nhà Hắn nhằm mục đích xác nhận cho Hắn hợp pháp chiếm lấy số tiền gần mười ngàn dollars thuộc về quỹ sinh hoạt của hội! Như vậy Hắn đã thành công một vở tuồng gạt gẫm rất ngoạn mục!
      Thời gian sau đó, nhận thấy việc dùng hội đoàn làm kinh doanh dể dàng kiếm tiền nên Hắn nghĩ ra những phương cách khác để khai thác lòng từ thiện của đồng hương. Hắn mở thêm những dịch vụ như: Hiệp Hội Dân Chủ, nhóm Từ Thiện cho những người lính tàn tật Việt Nam Cộng Hòa..v..v... Tôi nhớ có lần Hắn tổ chức ngày gây quỹ cho hội Lính Tàn Tật để cứu trợ những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở quê nhà, Hắn viết một bài tường thuật đăng trên báo chí tâng bốc ông bạn Mc của Hắn một cách hải hùng, đọc qua phải giật mình:
- Làm Mc cho ngày truyền thống hay những chương trình văn nghệ gây quỹ... Chúng ta phải kiên cường, phải anh dũng, cho dù Mc nói cà-lăm cũng phải cố bám cương vị Mc của mình cho tới khi kết thúc chương trình!
       Từ những lời viết nầy của Hắn đăng trên báo chí, khiến bây giờ trong sinh hoạt cộng đồng đã trở thành ấn tượng để đời cho những ai làm Mc nhà nghề ở Nam Úc!
       Và cứ như thế thời gian âm thầm trôi! Những năm tháng đi qua im lìm, những mùa thu chết bao lần với muôn lá vàng rơi trên đường phố, những mùa hè Đỏ Lửa chìm dần vào quá khứ xa xăm phủ kín hằng vết thương chinh chiến.... Rồi tình cờ một hôm của buổi tối mùa đông băng giá, Hắn đến nhà thăm Tôi! Hai người ngồi nhâm nhi vài ly rượu mạnh để sưởi ấm cõi lòng. Sau những câu chuyện trò thăm hỏi nhau, Hắn thở dài tâm sự với Tôi:
- Quê hương mình bây giờ dân chúng làm ăn sung túc lắm! Nhà nước Việt Nam đã mở cửa kinh tế nên đất nước cũng phát triển và giàu mạnh ....
     Nghe Hắn nói tôi mĩm cười phân tích:
- Anh có nhìn thấy trong xã hội Việt Nam hiện nay sự chênh lệch giàu nghèo rất cách biệt! Giới nghèo thì chiếm đại đa số, thành phần giàu có và đại gia chi là số ít.Thêm nữa, thực trạng xã hội dẫy đầy tệ nạn mãi dâm, sì-ke và ma túy!
      Hắn biện minh:
- Ừ! Anh đồng ý với nhận xét của chú mầy, nhưng xã hội nào mà không có những thứ tệ nạn lặt vặt đó.
- Nhưng dưới chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, giới trẻ không có tương lai, cuộc sống băng hoại và ăn chơi lêu lỏng...
     Tôi biết thời gian gần đây, sau ngày Hắn về Việt Nam thăm quê hương trở qua, Hắn đã thay đổi lập trường Quốc Gia, thường hay nói tốt cho chế độ cộng sản nên Tôi phân tích cho Hắn thấy thế nào là một quốc gia cường thịnh thật sự:
- Xác định một quốc gia giàu mạnh và tiến bộ thì điều đầu tiên chúng ta phải nhìn vào hai lãnh vực căn bản: Y tế và giáo dục. Hiện nay Việt Nam dưới chế độ cộng sản, người nghèo phải gánh chịu thiệt thòi về hai lãnh vực nầy! Dân nghèo khi bị bệnh không có tiền đóng viện phí thì xem như chờ chết! Học sinh con nhà nghèo thì không có cơ hội được vào đại học vì học phí quá cao, làm cản trở việc đào tạo nhân tài phục vụ cho đất nước!
      Hắn vẫn ngồi im lặng nghe tôi dẫn chứng những hiện trạng về xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Thỉnh thoảng Hắn cúi mặt suy nghĩ như thấm thía điều gì trong quan điểm sai lệch của Hắn về chế độ đương quyền. Tôi đoán được tâm trạng của Hắn đang lưỡng lự về một quyết định thay đổi lập trường Quốc Gia mà Hắn sẽ thực hiện sắp tới, Tôi phân tích tiếp:
- Bức tranh xã hội Việt Nam hiện thời, không những được phát họa trên hai lãnh vực y tế và giáo dục, mà còn ngay cả trên hệ thống truyền thông đã đăng tải và vạch trần những vấn nạn khác như: Giao thông bế tắc trong những công trình xây dựng đường xá vì nạn tham nhũng khi mời gọi đấu thầu. Đại biểu Quốc hội chỉ lo bàn cải những chuyện xử lý mua bán dâm của cán bộ thay vì chất vấn các tập đoàn nhà nước đã và đang thua lỗ hàng tỷ USD và chính sách sai phạm thương mại khiến doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Các vấn đề nghiêm trọng trong điều hành kinh tế, trong an ninh xã hội, trong nội bộ guồng máy điều hành nhà nước do ảnh hưởng của giới quan chức từ cấp bộ xuống địa phương hoạt động thiếu quy tắc và chuẩn mực pháp lý! Một khi cán bộ nhà nước có chức, có quyền rồi thì hầu như tỏ ra hống hách làm gì cũng được, nói gì cũng được và lâu nay không ai dám cãi lại nên phản ứng xấu hổ về tư cách đảng viên cũng mất đi, không còn hiệu quả cho yếu tố phê và tự phê nữa. Còn về môi trường quan chức làm việc, thiếu cạnh tranh và thiếu cơ chế giám sát, đã làm xuống cấp cả trình độ và ứng xử của một loạt nhân vật mang bản chất ‘ích kỹ lãnh đạo’! Xét về quán tính dùng vũ lực và bạo lực của nhà nước để quy kết những người đấu tranh dân quyền và dân sinh, khép vào chuyện phạm tội hình sự, đang khiến Việt Nam có nguy cơ xa rời các tiêu chuẩn của bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đề ra!
       Tôi đang say sưa phân tích về chế độ độc tài đảng trị cộng sản Việt Nam, chợt Hắn xen vào:
- Anh đồng ý với những gì của chú mầy nhận xét về nhà nước Việt Nam. Nhưng quan điểm của anh, dù đứng trên lập trường Quốc Gia tự bấy lâu nay, bây giờ cũng phải thay đổi theo tiến hóa xã hội. Chúng ta là những Việt Kiều ở ngoại quốc, phải hòa hợp hòa giải dân tộc với nhà nước Việt Nam trước rồi mới tính đến Dân Chủ và Nhân Quyền sau.
- Tôi không đồng ý với nhận định của anh! Bởi vì theo qui luật và cơ chế điều hành đất nước, yếu tố dân chủ và nhân quyền phải đi trước mới tiến tới hòa hợp và hòa giải dân tộc. Với trình tự nầy mới bảo đảm quyền tự do và tự quyết của dân tộc!..
- Anh nghĩ rằng: Những thứ quyền chú mầy vừa nêu ra đều lệ thuộc vào nhà nước đương quyền!
- Vì vậy, chúng ta là những người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do và dân chủ, chúng ta đã được toại nguyện, chúng ta phải góp phần vào công cuộc đấu tranh Tự Do-Dân Chủ cho quê hương.
      Tôi và Hắn tự nảy giờ vừa trò chuyện vừa nhâm nhi những ly rượu mạnh. Rượu đã vơi mà sầu chưa dứt! Bổng Hắn nhìn Tôi rồi nói toạc nỗi lòng của Hắn:
- Anh nói thật với chú mầy: Anh đã “đổi màu”!
- Trời! Xưa nay anh là người có uy tín nên được giữ chức vụ hội trưởng Võ Khoa Nam Úc, trải qua nhiều nhiệm kỳ nhất. Bởi thế tôi thiết nghĩ anh là người giữ vững tinh thần Quốc Gia chân chính!... Nhưng bây giờ anh đã vì quyền lợi nhỏ nhoi cho cá nhân mà thay đổi lập trường Quốc Gia, thật đáng tiếc quá!
     Hắn cúi mặt nhìn xuống sàn nhà suy nghĩ, khẻ nói:
- Anh có nỗi niềm riêng!
     Trời đã khuya. Hắn từ giã ra về. Tôi tiễn Hắn ra cửa rồi vẫy tay thay lời chào tạm biệt. Ngoài sân, cây khuynh diệp bên hàng rào lung lay những cành lá khi cơn gió nhẹ thoảng qua. Nhìn những ngọn cây ngã theo chiều gió, tôi chợt nhớ mùa đông sắp tàn! Cơn gió đầu mùa thổi về như báo hiệu thời tiết sắp vào xuân.
     Trở vào nhà, Tôi ngồi ngã lưng vào chiếc ghế sa-lông nơi phòng khách, trong lòng dâng lên cảm giác buồn nhè nhẹ. Từ đáy lòng sâu kín của Tôi chợt thốt lên tiếng thở dài:
- Gió Đã Sang Mùa! Như báo hiệu người bạn của Tôi thay đổi lập trường Quốc Gia kể từ đây!!!!

Dương Đại Trường

Mùa đông viễn xứ!